Nói "không" có lẽ là nghệ thuật trong bất kỳ ngôn ngữ nào. Văn hóa Mỹ tương đối cởi mở, nhưng bạn vẫn nên hạn chế nói "không" để tỏ ra lịch sự.
Đến nhà một người bạn Mỹ, mình thấy món “mashed potatoes” (khoai tây nghiền, món khoái khẩu của mình) ngon tuyệt nên mình lỡ ăn hơi nhiều. Sau một hồi cắm cúi ăn ngẩng lên thì thấy trong đĩa chỉ còn có một nhúm khoai, mình ngắm mà nuốt nước miếng. Nhưng… thôi, vì phép lịch sự của người Việt Nam, mình quyết định buông dĩa.
Người bạn Mỹ thấy mình vẫn thòm thèm lắm, nên bảo "Would you like some more potato?".
Nếu là trước đây, mình sẽ ngay lập tức nói "No, thanks". Nhưng kinh nghiệm “xương máu” giúp mình biết rằng nói như vậy nghe không phải phép lắm. Mình trả lời một cách ý nhị: “I’m good, thank you”.
Một thời gian dài ở Mỹ, mình quan sát thấy người Mỹ ít khi từ chối bằng cách nói “No, thanks”, mà thường chỉ nói là "I’m ok, thanks” hoặc “I’m good, thank you”. Có lẽ, trong văn hóa Mỹ, họ tránh nói “No” để làm người khác phật lòng.
Các bạn thấy đấy, ngôn ngữ thật đa dạng và nhiều màu sắc. Đôi khi, lịch sự có thể trở thành một thói quen trong nền văn hóa. Những khi thấy người xung quanh không nói “No, thanks”, mình cũng dần dà bắt chước và trở nên “lịch sự” hơn. Người ta nói học ngôn ngữ là học văn hóa là ở chỗ đó.
Tất nhiên, có nhiều cách khác các bạn có thể từ chối mà không nhất thiết phải nói “No”. Cùng xem một ví dụ cụ thể nhé:
Scott: How about having some drink in a coffee shop now?
Moon: Sorry, I have some stuffs to do now. How about tomorrow?
Trong những trường hợp bạn nhận được lời mời như trên, nhưng không thể đi được (và không muốn làm người mời phật lòng), cách tốt nhất là hãy chủ động ra một lịch hẹn mới. Như vậy, bạn nói “No”, nhưng thực ra là “Yes” vậy…
Mà ngẫm ra, đó là nghệ thuật “say no” không chỉ trong nền văn hóa Mỹ mà còn ở nhiều nước như Anh, Úc hay Canada phải không các bạn?
-VnExpress-