Bận rộn dường như đã trở thành 'tiêu chí' sống của người hiện đại. Những thói quen sinh hoạt thiếu khoa học là 'sát thủ' đối với sức khỏe con người, khiến cho cơ thể lẫn tâm lý đều yếu đuối hơn. Hãy để QTS cùng các chuyên gia y học đưa ra cho bạn 7 thói quen tốt mà bạn nên thực hiện mỗi ngày để có tinh thân khỏe mạnh.
Nếu là người hiện đại, hãy làm theo 7 thói quen này để cơ thể khỏe mạnh
1. Đừng bỏ qua giấc ngủ trưa 30 phút
Theo nghiên cứu của Hy Lạp cho thấy, mỗi tuần ít nhất 3 lần và mỗi lần khoảng 30 phút nghỉ trưa có thể làm giảm nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch đến 37%. Nghiên cứu của trường đại học Düsseldorf (Đức) khẳng định ngủ trưa có thể tăng cường trí nhớ. Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý của trường đại học Harvard (Hoa Kỳ) lại phát hiện, ngủ trưa có thể giải tỏa áp lực đáng kể.
Thời gian ngủ trưa với mỗi người khác nhau, nhưng nhìn chung với người làm giờ hành chính hoặc công việc quá bận rộn thì dành thời gian nghỉ trưa không phải chuyện dễ. Một báo cáo đăng trên tờ Daily Mail (Anh) chỉ ra rằng, ngủ trưa chỉ trong khoảng 6 phút đã có thể nâng cao trí nhớ, và khoảng 20 – 30 phút nghỉ trưa là thời gian lý tưởng nhất.
2. Cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày
Vận động vừa sức có thể nâng cao hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật, giảm nguy cơ ung thư, làm chậm lão hóa… Vấn đề là người hiện đại rất khó để có thời gian rèn luyện thân thể. Nếu cảm thấy quá khó để có lịch tập luyện bài bản thì ít nhất mỗi ngày bạn nên dành ra 30 phút vận động, chia nhỏ ra thành 3 cái '10 phút' chẳng hạn. Nghiên cứu của trường đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ) phát hiện chỉ 10 phút vận động đã có thể tăng sức bền cho các mạch máu trong cơ thể.
3. Mỗi ngày nên ăn đủ 5 loại rau
Rất nhiều người trong số chúng ta thường ăn ít rau, hoặc chỉ ăn một loại rau đơn nhất cho mỗi ngày. Các bác sĩ trên thế giới đã chỉ ra rằng, ăn nhiều loại rau đa dạng không những có thể giảm nguy cơ phát sinh bệnh tim mạch, làm chậm hiện tượng mất trí ở người già, mà còn có tác dụng ngăn ngừa và đối kháng với bệnh ung thư. Hội Dinh dưỡng học Quốc tế đề nghị mọi người mỗi ngày nên ăn khoảng 400gr – 500gr các loại rau, tốt nhất là từ 5 loại rau trở lên. Trong đó, rau có màu xanh nên chiếm một nửa.
Ngoài ra, bạn nên lựa chọn và kết hợp các loại rau củ nhiều màu sắc vì chúng rất giàu các khoáng chất và vitamin, đặc biệt là những loại rau củ màu xanh, đỏ, cam và tím. Giáo sư Phạm Chí Hồng còn nhắc nhở thêm rằng mỗi ngày bạn nên thay đổi các chủng loại rau củ cho đa dạng. Thói quen này vừa giúp bạn tăng khẩu vị ăn uống mà còn giúp cơ thể có điều kiện hấp thu được nhiều dưỡng chất phong phú.
Nhất là những loại rau củ mà bình thường bạn vốn không ăn hoặc ăn rất ít thì nên đưa chúng vào thực đơn hằng ngày nhiều hơn. Nếu có một hay vài loại rau củ bạn vốn không ăn được thì có thể tìm hiểu xem chúng có đặc điểm gì và thay bằng những rau củ khác nhưng có thành phần và công hiệu tương đương.
4. Nếu không có thời gian, hãy ăn sáng với ít nhất một quả trứng luộc
Với người bận rộn trong cuộc sống hiện đại này, việc ngồi thảnh thơi thưởng thức một bữa sáng lành mạnh và ngon miệng gần như là điều xa xỉ. Thói quen ăn sáng qua loa, thậm chí là bỏ cả bữa sáng không những khiến bạn thiếu năng lượng cho một ngày làm việc, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe về lâu dài. Phó giáo sư Phạm Chí Hồng (chuyên khoa dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc) kiến nghị mỗi người bất luận bận rộn thế nào, bữa ăn sáng hàng ngày nhất định phải đảm bảo.
Về nguyên tắc cơ bản, một bữa sáng dinh dưỡng cần phải có đủ ba yếu tố:
- Thứ nhất là thực phẩm dạng tinh bột như bánh mì, cháo, mì, cơm…;
- Thứ hai là thực phẩm nhóm protein như sữa, đậu nành, trứng…;
- Thứ ba là thực phẩm giàu vitamin và chất xơ, điển hình nhất chính là rau và trái cây.
5. Không nhịn tiểu quá 3 giờ
Công việc bận rộn khiến con người ăn uống thất thường, lười uống nước và ngay cả việc tiểu tiện cũng không có thời gian. Thói quen này cực kỳ có hại cho sức khỏe. Đàn ông nhịn tiểu quá lâu có thể dẫn đến viêm tuyến tiền liệt, trong khi nữ giới lại dễ viêm khoang chậu.
Về lý thuyết, mỗi ngày chúng ta không nên đi tiểu quá 8 lần, tỷ lệ lý tưởng nói chung là ban ngày 7 lần và ban đêm 1 lần. Tuy nhiên, thực tế thì còn tùy thuộc lượng nước nạp vào và cơ chế hoạt động của từng người. Vấn đề quan trọng là bạn không nên tạo thói quen nhịn tiểu, nhất là nhịn tiểu quá 3 – 4 giờ đồng hồ.
6. Uống 2,5 lít nước mỗi ngày
Thành phần nước trong cơ thể con người sẽ bị mất đi thông qua nước tiểu, mồ hôi và tản nhiệt trên da, ước tính khoảng 1800ml – 2000ml, trừ lượng nước trong thực phẩm ra thì mỗi ngày chúng ta cần uống ít nhất 1200ml nước (khoảng 2 chai nước khoáng loại trung). Nếu thời tiết khô nóng, vận động nhiều thì lượng nước cần cho cơ thể càng tăng. Tuy nhiên thực tế, cực kỳ ít người uống nước đạt tiêu chuẩn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Vệ sinh Thế giới, có những thời điểm trong ngày mà bạn sẽ thuận tiện hơn cho việc uống nước để bổ sung đủ yêu cầu, chẳng hạn sau khi ngủ dậy, khi vừa đến nơi làm việc, 11h trưa, nửa giờ sau bữa cơm trưa, 3h chiều, trước khi chuẩn bị hết giờ làm, trước khi ngủ khoảng 1 giờ v.v… Những thời gian này uống nước vừa tốt cho cơ thể vừa giúp bạn dễ dàng sắp xếp thời gian hơn.
7. Dành 10 phút trò chuyện với người thân
Mỗi người vội đi làm rồi lại trở về nhà với bao mệt mỏi và chỉ muốn thu mình lại vào phòng riêng. Thói quen này không những khiến tình cảm gia đình càng lạnh nhạt mà còn ảnh hưởng sức khỏe của mỗi thành viên.
Kỳ thực, tình yêu thương và quan tâm chia sẻ giữa người thân với nhau có tác dụng giải tỏa áp lực rất lớn. Vì vậy, mỗi ngày bạn nên cởi bỏ hết phiền não, bực dọc bên ngoài và dành ít nhất 10 phút trò chuyện bên cạnh người thân để tìm được liều thuốc tinh thần hiệu quả.
-VnExpress-
- 7 thói quen sống khỏe của người hiện đại
- Khóa học Tiếng Anh trực tuyến cho người bận rộn
- 5 Bài học quản lý nhân sự hiệu quả
- 5 Chiêu đập tan nỗi lo Academic Writting
- 9 Bài Học Khởi Nghiệp Đâm Chất Thung Lũng Silicon