Lãnh đạo không phải là đứng trên cao “chỉ tay năm ngón” xuống cho nhân viên của mình. Một nhà lãnh đạo giỏi giống như là một nhà cải cách và luôn thích ứng với mọi sự thay đổi. Họ có sự sáng tạo, tầm nhìn xa trong công việc, biết cách làm thế nào để mang cảm hứng đến cho mọi người xung quanh và hơn hết là những nhà lãnh đạo này biết chấp nhận thất bại để biến nó thành sự thành công. Vậy đó là những tố chất gì và những nhà lãnh đạo tài ba đã áp dụng những tố chất đó như thế nào để chinh phục được muc tiêu của mình.
1. Tự tin và quyết đoán
Để có được sự tự tin và quyết đoán trong công việc thì thật sự không phải là điều dễ dàng, nhưng nó là một kĩ năng có thể học và được trao dồi qua nhiều trải nghiệm. Sự tự tin và quyết đoán được thể hiện bằng việc tôn trọng người khác, thái độ tích cực và tin tưởng bản thân. 12 năm trước, ông David Thái – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ Phần Việt Thái mang ý tưởng kinh doanh café mang hương vị quốc tế. Và mặc cho bạn bè, người thân nghi ngờ, ngăn cản, thì Highlands coffee vẫn ra đời, phát triển thành công cho đến ngày hôm nay và trở thành một thương hiệu café nổi tiếng trong và ngoài Việt Nam.
Từ ví dụ trên bạn có thể thấy được rằng tự tin và quyết đoán là hai điều mà một nhà lãnh đạo không thể thiếu và họ cần phải dám làm, dám nghĩ và dám chịu. Có thể nói rằng người lãnh đạo chính là một vị thuyền trưởng và công ty chính là con thuyền. Con thuyền có cập bến an toàn hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào người thuyền trưởng đó. Vì vậy, nếu không tự tin và quyết đoán trước những cơ hội hay đối mặt với những thử thách thì có thể con thuyền sẽ bị nhấn chìm, hay nói đúng hơn là công ty sẽ bị đẩy xuống vực thẳm.
2. Biết tìm người và giữ người
Theo Harvey Mackay, bậc thầy giảng dạy về nghệ thuật lãnh đạo “Lãnh đạo giỏi phải có khả năng nhận diện, thu hút và giữ chân nhân tài”. Muốn vậy, các lãnh đạo cũng phải tìm kiếm và xây dựng được cho mình một đội ngũ nhân sự có đam mê, tận tụy với công việc, có tinh thần hợp tác vì mục tiêu chung của công ty. Ngoài ra, một trong những tố chất nên có của một nhà lãnh đạo là nên tin tưởng và chia sẻ công việc của mình đến với mọi nhân viên. Nếu nhân viên của bạn làm sai, là một nhà lãnh đạo tâm lý, bạn nên tạo cơ hội cho họ khắc phục và sữa chữa lỗi lầm. Không nên chỉ trích hay phán xét ngay bởi vì nó sẽ làm cho nhân viên của bạn mất niềm tin vào công việc. Khi đánh giá về một nhân viên, người lãnh giỏi là người biết đánh giá dựa trên sự nổ lực, năng lực và kết quả công việc. Điều này sẽ làm cho nhân viên cảm thấy công bằng và sự đóng góp của họ được công nhận, tạo động lực cho họ càng phấn đấu hơn trong công việc.
3. Có tầm nhìn
Điểm khác biệt giữa nhà lãnh đạo và nhà quản lí là lãnh đạo có ý tưởng và có tầm nhìn xa. Tất cả các nhà lãnh đạo đều nắm trong tay “số phận” không chỉ của công ty mà còn của tất cả các nhân viên trong đó. Tầm nhìn xa giúp cho nhà lãnh đạo định hướng, vạch ra chiến lược và dự đoán những biến động trong tương lai. Nhờ đó, các nhà lãnh đạo luôn có giải pháp để giải quyết mọi khó khăn trong những tình huống nan giải nhất bởi vì, họ đã nhìn rõ bản chất của sự việc ngay cả trước khi họ chỉ mới bắt đầu nghĩ về nó.
4.Luôn học hỏi
Một điều bạn có thể chắc chắn, người lãnh đạo không thể điều hành tốt nếu không có sự hiểu biết về những lĩnh vực họ đang làm. Vậy để có kiến thức, nhà lãnh đạo luôn luôn phải học hỏi và thường xuyên trao dồi bản thân để nâng cao tri thức, tích lũy được nhiều kiến thức chuyên nghiệp. Qua việc không ngừng học hỏi, lãnh đạo sẽ luôn cập nhập được sự thay đổi của thời đại và làm mới bản thân mình. Hãy luôn luôn nghĩ rằng “Đầu tư cho giáo dục chính là tái đầu tư sức lao động”
5. Biết lắng nghe nhân viên
Khoảng 50-60% thời gian của một người lãnh đạo là được dùng để lắng nghe. Để đánh giá mọi tình hình của công ty và hiểu rõ vấn đề của các nhân viên thì lãnh đạo phải là người lắng nghe tuyệt vời. Mấu chốt để trở thành một người lắng nghe giỏi là không chỉ phải lắng nghe từ ngữ mà còn phải lắng nghe những gì ẩn dấu bên trong đó. Để làm được điều đó các nhà lãnh đạo cần phải tôn trọng, tập trung và có thái độ tích cực và thực sự mong muốn được lắng nghe với người nói. Đó là lý do tại sao mà nhiều công ty duy trì bữa cơm trưa chung cho toàn nhân viên và lãnh đạo, ở đó tất cả mọi người có dịp tiếp xúc với nhau, lắng nghe những câu chuyện hàng ngày và những ý kiến về nhau để hoàn thiện mình hơn.
6. Chân thành và hòa đồng
Cuộc sống lãnh đạo của bạn có vui vẻ và hạnh phúc không? Dường như khi nhắc đến từ “lãnh đạo” trong công ty, bạn sẽ nghĩ ngay rằng đến sự cách biệt về cấp bậc làm cho nhà lãnh đạo rất ít khi hòa đồng với nhân viên. Vậy làm sao để xóa bỏ được điều đó, lãnh đạo nên gần gũi với nhân viên bằng cách cùng ăn mặc, cùng sinh hoạt, cùng chơi với nhân viên, nhân viên sẽ cảm thấy không còn khoảng cách và dễ chia sẻ với hơn. Đặc biệt, nếu những việc nhân viên làm mà lãnh đạo cũng làm được, sự tâm phục, ngưỡng mộ của nhân viên dành cho họ ngày càng cao.
Nguồn: CareerLink.vn
Sharing is caring!